Theo Tuấn Việt (Theo BizLive) – 15/08/2020
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) vừa công bố số liệu về thị trường bảo hiểm Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020, dựa trên tổng hợp báo cáo hoạt động ước tính của các hội viên.
Cụ thể, tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm đến hết quý II/2020 ước đạt 82.944 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 26.991 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 7%. Còn tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ (BHNT) đạt 55.953 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Như vậy, có thể thấy số liệu tổng hợp của IAV có sự khác biệt nhất định so với công bố trước đó của Tổng cục Thống kê (GSO) – nhất là ở khối BHNT.
Trước đó, theo GSO, tính tới hết quý II/2020, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng trưởng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí BHNT tăng 13%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.
Theo đánh giá của GSO, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm , đặc biệt là lĩnh vực BHNT với đặc thù cần có sự gặp mặt trực tiếp để tư vấn cho khách hàng. Do lĩnh vực bảo hiểm không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu nên các điểm kinh doanh, giao dịch bảo hiểm với khách hàng phải đóng cửa và tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, về tổng thể, các thống kê đều cho thấy, dù tốc độ tăng trưởng của toàn ngành có chậm lại so với cùng kỳ những năm trước, song đây vẫn là mức tăng trưởng khả quan so với rất nhiều ngành trong bối cảnh tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Hơn 1,36 triệu hợp đồng BHNT khai thác mới trong giai đoạn Covid-19
Về mảng BHNT, theo số liệu thống kê ước tính của IAV, đến hết tháng 6/2020, tổng số hợp đồng khai thác mới là 1.367.489 hợp đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 12.032.944, tăng 19,7%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ đạt 55.953 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ (cao hơn 6 điểm% so với dữ liệu trước đó từ GSO).
Cùng với việc tăng về số hợp đồng khai thác mới và doanh thu phí bảo hiểm, phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ tính đến tháng 6 tăng 12,5% đạt 17.304 tỷ đồng.
Khối phi nhân thọ chi trả bồi thường hơn 9.000 tỷ đồng sau 6 tháng
Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chi trả bồi thường 9.028 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 33% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Cụ thể, bảo hiểm xe cơ giới có doanh thu đạt 8.236 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 31% trong tổng doanh thu toàn thị trường, bồi thường 3.821 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 46%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.495 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%, tăng trưởng 33%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 5.916 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 22%, bồi thường 3.434 tỷ đồng.
Bảo hiểm sức khỏe doanh thu đạt 8.051 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 30%, tăng trưởng 8%, bồi thường 2.458 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 31% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu đạt 3.790 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 14%, tăng trưởng 9%, bồi thường 847 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 22% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Bảo hiểm cháy nổ doanh thu đạt 3.068 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 11%, tăng trưởng 13%, bồi thường 776 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 25% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Trong đó, doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 2.443 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%, bồi thường 412 tỷ đồng. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 771 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3%, bồi thường 258 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 1.123 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4%, giảm 11%, bồi thường 279 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 25% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu đạt 1.101 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4%, tăng trưởng 6%, bồi thường 464 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 42% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt 569 tỷ đồng tăng trưởng 2%, bảo hiểm hàng không 264 tỷ đồng giảm 16%, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 428 tỷ đồng tăng trưởng 15%, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh 112 tỷ đồng tăng trưởng 18%, bảo hiểm nông nghiệp đạt 20 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ, bảo hiểm bảo lãnh 15 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
So với thời điểm cuối 2019, tại danh sách mới công bố (đầu tháng 7) của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã xuất hiện một vài gương mặt mới, nâng số lượng doanh nghiệp trong ngành từ 64 lên 70.
Cụ thể, có thêm 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là CTCP bảo hiểm OPES (OPES) và Công ty TNHH bảo hiểm HD; cùng 4 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là: CTCP môi giới bảo hiểm Integer, Công ty TNHH môi giới bảo hiểm Bảo An, Công ty TNHH môi giới bảo hiểm LK Việt Nam, Công ty TNHH môi giới bảo hiểm Pan Asia.
Thị phần công ty bảo hiểm nhân thọ thay đổi như thế nào năm 2020?
(Theo thị trường tài chính Việt Nam) – 11/07/2020
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cho rằng, trước nay, hệ thống đại lý, nhân sự và chăm sóc khách hàng của một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có chất lượng phục vụ chưa tốt. Điều này dẫn đến việc có nhiều trường hợp khách hàng phản ứng bằng cách hủy hợp đồng, chuyển sang những doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn. Điều này đồng nghĩa việc nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm là con đường tất yếu để các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng thị phần. Năm 2020, thị phần các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam có sự biến đổi nhất định.
Xét về doanh thu phí khai thác mới
Doanh thu phí khai thác mới là một trong những chỉ số quan trọng được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xem xét để đánh giá về thị phần của các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 7.892 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thống kê cho thấy, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 71,6% doanh thu phí khai thác mới. Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 9,6%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 3%, các nghiệp vụ chính còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm chính)) chiếm tỷ trọng 2,5%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 13,3%.
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng 23,4%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp giảm 27,7%, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ tăng 17,7%. Về số lượng hợp đồng khai thác mới 3 tháng đầu năm 2020 đạt 706.730 hợp đồng, dẫn đầu là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư với 367.912 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm (chiếm tỷ trọng 52,1%, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2019), tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ với 265.917 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 37,6%), tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2019, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp là 58.327 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 8,3%), giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng hợp đồng khai thác mới các nghiệp vụ chính còn lại chiếm tỷ trọng 2,1%, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, ngành bảo hiểm sẽ có mức tăng trưởng khả quan hơn các ngành nghề kinh tế khác, tuy nhiên theo ông, mức tăng không cao bằng cùng kỳ các năm trước. Nếu mức tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam giảm xuống 20%/năm, thì cũng là mức tăng trưởng khá tốt trong thời điểm mà nhìn kinh tế chịu nhiều tác động như hiện nay.
Trước đó, theo nhìn nhận của CEO một công ty bảo hiểm chia sẻ trên Tạp chí Tài chính (Cơ quan thông tin của Bộ Tài chính), Việt Nam vẫn đang là thị trường mới nổi của bảo hiểm nhân thọ nên khả năng tăng trưởng còn rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ tìm cách khơi thông lại thị trường, khai thác tiềm năng của dòng phí bảo hiểm mới. Nhưng theo vị CEO này, phần lớn các doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn vào chất lượng tăng trưởng. Nói về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, thị trường bảo hiểm tại Việt Nam muốn phát triển chất lượng bền vững thì cần từng bước nâng cao trình độ đại lý và tăng cường khả năng tư vấn trực tiếp.
Thị phần của các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam dần có sự thay đổi
Thực tế thời gian vừa qua vấn đề này đã được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm dành sự quan tâm, trong đó có một sự thay đổi khác rất dễ nhận thấy là việc ứng dụng công nghệ và có những chiến lược phát triển mới khi các startup Fintech và Insurtech xuất hiện. Điều này không chỉ giúp việc bán các sản phẩm bảo hiểm ngày càng dễ dàng hơn, mà còn giải quyết nhanh chóng các khiếu nại bồi thường cho khách hàng. Đáng chú ý cho sự thay đổi này có thể kể đến việc đưa ra quy trình bồi thường qua điện tử không cần cung cấp quá nhiều dữ liệu khách hàng. Theo đó, bằng cách này khách hàng chỉ cần gửi chứng minh thư nhân dân, chụp hình và việc chuyển tiền bảo hiểm cho khách hàng hiện đang được hãng bảo hiểm thông qua ngân hàng với thời gian khoảng 1 – 2 ngày.
Theo một nghiên cứu của hãng bảo hiểm Prudential, có tới 57% khách hàng sẽ ngừng mua bảo hiểm công ty hiện tại nếu công ty khác có cùng sản phẩm, nhưng cho trải nghiệm tốt hơn; 67% khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm dịch vụ tốt… Nhìn chung hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục nỗ lực để phát triển thị phần, đa dạng hóa các kênh phân phối từ đại lý, Bancassurance đến bán hàng trực tuyến… nhằm chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam. Sau đây là bảng xếp hạng thị phần doanh thu bảo hiểm khai thác mới 3 tháng đầu năm 2020.
Công ty bảo hiểm nhân thọ | Thị phần doanh thu bảo hiểm khai thác mới (%) |
Manulife Việt Nam | 18,9 |
Bảo Việt Nhân thọ | 18,6 |
Prudential | 12,5 |
Dai-ichi Life | 12,3 |
AIA | 12 |
Generali | 4,3 |
MB Ageas Life | 4,3 |
Chubb Life | 3 |
Hanwha Life | 3 |
FWD | 2,8 |
Aviva | 2,6 |
Cathay | 2 |
6 doanh nghiệp còn lại | 3,7 |
Nhìn vào bảng trên có thể thấy, Manulife chính là doanh nghiệp đứng số 1 về thị phần doanh thu phí khai thác mới, vị trí thứ 2 thuộc về Bảo Việt Nhân thọ, tiếp đến là những cái tên quen thuộc: Prudential, Dai-ichi Life, AIA… Mức doanh thu này so với năm 2019 đã có nhiều thay đổi. Cụ thể năm 2019, thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của Bảo Việt Nhân thọ là 16%, Dai-ichi Life 14%, Prudential 16%, Manulife Việt Nam 18%…
Xét về tổng doanh thu phí bảo hiểm
Theo số liệu thống kê từ Cục quản lý giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 39.419 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 25.327 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Nói riêng về tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ, theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2020, số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) đạt 10.884.414 hợp đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 25.327 tỷ đồng tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính doanh thu phí theo từng nghiệp vụ thì nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 58,7%, tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp 28,4%. Còn doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ đóng góp 10,1% tổng doanh thu phí toàn thị trường.
3 tháng đầu năm 2020, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm cụ thể như sau: Bảo Việt Nhân thọ (25%), Prudential (17,9%), Manulife (15,8%), AIA (11,5%), Dai-ichi (11,1%), Chubb (3,1%), Hanwha (2,9%), Generali (2,8%), MB Ageas (2,5%), Aviva (1,7%), FWD (1,3%), Cathay (1,3%), Sun Life (1%), các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.
Ngành bảo hiểm đang dần có những sự thay đổi trong chuỗi giá trị
Đánh giá chung về ngành bảo hiểm, ông Jetsura Vongvichien, phụ trách mảng bảo hiểm Khối Dịch vụ tài chính, SAP khu vực Ðông Nam Á cho rằng, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi trong chuỗi giá trị của ngành bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm mới có chi phí vận hành tốt hơn, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn lên các công ty bảo hiểm truyền thống.
Từ số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, có thể thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có những bước tăng trưởng khả quan trong 3 tháng đầu năm 2020. Có thể thấy dù nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh tuy niên, thị phần tổng thu phí bảo hiểm vẫn đảm bảo tăng vượt cùng kỳ năm 2019. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy những dấu hiệu khả quan trong những tháng còn lại của năm 2020.
Những con số trên đã thể hiện phần nào sự biến động của thị trường nói chung, cũng như mỗi doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng, đồng thời dự báo thị phần của các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ có những biến chuyển nhất định trong năm 2020.