Còn 91 doanh nghiệp cần cổ phần hóa trong năm 2020

Châu Cao (Theo Trí thức trẻ) – 15/08/2020

 

Tiến độ cổ phần hóa đang rất chậm. Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Thành phố Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp).

Theo số liệu công bố của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2020 mới tiến hành cổ phần hóa được 37 doanh nghiệp, bằng 28% kế hoạch. Trong khi đó, theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Chính phủ, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 128 doanh nghiệp, tức là còn 91 doanh nghiệp cần cổ phần hóa trong 4 tháng cuối năm 2020.

Còn 91 doanh nghiệp cần cổ phần hóa trong năm 2020: VNPT, Mobifone, Agribank, Vinafood đều chưa hoàn thành phương án sử dụng đất - Ảnh 1.

Tiến độ cổ phần hóa theo Quyết định 26/2019 của Chính phủ

Theo Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, tính lũy kế giai đoạn 2016 – tháng 7/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443,5 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207,1 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).

Trong 7 tháng đầu năm 2020, Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 06 doanh nghiệp, trong đó có 01 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. Trong khi đó, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 như: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 01 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.

Còn 91 doanh nghiệp cần cổ phần hóa trong năm 2020: VNPT, Mobifone ...

 

Việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo Quyết định 908/QĐ-TTg của Chính phủ, có 4 doanh nghiệp nếu không hoàn thành thoái vốn trước 30/11/2020 thì phải chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020 bao gồm: Tcty CP Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tcty Xây dựng Hà Nội – Cty CP (Bộ Xây dựng), Tcty Xây dựng số 1 – Cty CP (Bộ Xây dựng); Tcty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) (Bộ Xây dựng).

Còn 91 doanh nghiệp cần cổ phần hóa trong năm 2020: VNPT, Mobifone, Agribank, Vinafood đều chưa hoàn thành phương án sử dụng đất - Ảnh 3.

 

Về tình hình thoái vốn, trong 7 tháng/2020, có 10 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 với giá trị 260 tỷ đồng, thu về 678 tỷ đồng.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỷ đồng, thu về 1.110 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – tháng 7/2020: thoái 25,63 nghìn tỷ đồng, thu về trên 172,8 nghìn tỷ đồng.

Theo nhận định của Cục TCDN, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Thành phố Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp).

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm lại hiện nay là do sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Đặc biệt, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn.

Xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025

Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tại cuộc họp ngày 10/8, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã đặt thời hạn cho Bộ Tài chính phải hoàn thiện hồ sơ, tờ trình nghị định sửa đổi 3 nghị định và nghị định sửa đổi 1 điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP trước ngày 15/8/2020.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại DNNN giai đoạn 2021 -2025; ngành nghề lĩnh vực thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn…

Mặt khác cần xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Đặc biệt trong khâu tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN một số nội dung trọng tâm, trong đó:

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khẩn trương xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thoái vốn để đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào NSNN theo yêu cầu của Quốc hội.

 

Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa

Duy Na (FILI) – 17/02/2020

 

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) chỉ ra rằng, sau khi thoái vốn, cổ phần hóa thì doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn. Dự báo năm 2020, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ diễn ra tích cực hơn; trong khi đó, hoạt động thoái vốn có thể không sôi nổi bằng.

Tiến độ thoái vốn/cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm

YSVN thực hiện thu thập dữ liệu từ 896 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước (chiếm khoảng 60% – 70% tổng số doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước) từ 2005 đến nay. Trong đó 480 doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn thu về hơn 185,000 tỷ đồng, cổ phần hóa 416 doanh nghiệp với giá trị hơn 181,000 tỷ đồng.

Nguồn: YSVN

Theo quy định, các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa 90 ngày phải thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, tính tới hiện tại, mới chỉ có 64.2% doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã thực hiện niêm yết.

Về thoái vốn, tỷ lệ thoái vốn thành công 100% so với kế hoạch đạt 53.3%, với giá thoái vốn trung bình 44,763 đồng/cp (dữ liệu loại trừ 1 trường hợp đột biến của CTCP In báo Lào Cai thoái vốn ngày 17/12/2019 với giá trung bình 16.5 triệu đồng/cp).

Nguồn: YSVN

Thống kê của YSVN, thực tế mới chỉ có 37 trong 127 (tỷ lệ 29%) doanh nghiệp Nhà nước nằm trong kế hoạch đã thực hiện cổ phần hóa.

Tiến độ thoái vốn vẫn còn chậm chạp, mới đạt 7.5% giá trị kế hoạch (khoảng 60,000 tỷ đồng cho 4 năm 2017 – 2020). Thực tế lũy kế các năm 2017 – 2019, việc thoái vốn Nhà nước doanh nghiệp chỉ mang về trị giá 4,566 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp đã thực hiện đạt 44 trên tổng số 406 doanh nghiệp (chưa tới 11%).

Hoạt động tốt hơn sau thoái vốn/cổ phần hóa

Yuan ta đánh giá, sau khi Nhà nước rút vốn khỏi các doanh nghiệp dù dưới hình thức thoái vốn hay cổ phần hóa, mặt hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ghi nhận có cải thiện.

ROE trung bình 3 năm sau thoái vốn đạt 15.4% trong khi trước khi thoái vốn là 12.4%. Tương tự, ROA trung bình trước thoái vốn đạt 1.5% trong khi sau thoái vốn nâng lên mức 1.6%.

Nguồn: YSVN

Ngược lại, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giảm dần sau khi cổ phần hóa. Trước khi thoái vốn tăng trưởng tổng tài sản có xu hướng tăng sau đó chững lại, tới năm thứ 2 mới dần cải thiện. Khả năng doanh nghiệp sau thoái vốn mất khoảng 2 năm để tái cơ cấu lại tài sản doanh nghiệp, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cũng thể hiện rõ hiệu quả thoái vốn doanh nghiệp sau 2 năm.

Đẩy nhanh tiến độ trong năm 2020

Ngày 10/12/2019, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp báo về tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước cho năm 2019. Theo đó, tình hình thực hiện chậm chạp diễn ra do doanh nghiệp một phần do các doanh nghiệp lớn cần thời gian xử lý đất đai, kiểm kê tài sản, đặc biệt là vấn đề hồ sơ pháp lý đất đai tại các địa phương.

Bộ Tài chính cho biết đang hoàn tất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP và NĐ số 32/2018/NĐ-CP liên quan tới cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đây có thể sẽ là động lực giúp đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa trong thời gian tới.

Việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa trong năm 2020 cũng được Thủ tướng Chính phủ đề cập, cụ thể theo quyết định số 26/2019/QĐ-TTg buộc 93 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2020. Trong đó bao gồm Mobifone, Agribank, Vinacomin, Vinafood I, GEN1, GEN2,… Trong đó, hai thương vụ lớn được chờ đợi trong đợt cổ phần hóa sắp tới là Mobifone và Agribank.

YSVN cũng đánh giá hoạt động thoái vốn sẽ diễn chậm và không đúng kế hoạch khi thị trường chứng khoán đang gặp các yếu tố rủi ro từ bên ngoài. Số liệu chỉ ra rằng, số lượng doanh nghiệp được Nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa tăng mạnh là sau 2 – 3 năm thanh khoản thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện rõ rệt.

Cùng với đó, việc thoái vốn/cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được cho là bước đệm tăng quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam. Đứng trước vấn đề sở hữu khối ngoại các cổ phiếu hiện tại trên sàn gần như đã kín room, cơ hội để dòng tiền từ nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ dần thu hẹp nếu không xuất hiện các cơ hội đầu tư mới hấp dẫn trên thị trường chứng khoán.

Vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh sẽ giải được bài toán từ hai chiều về cả tăng quy mô cho thị trường lẫn tạo điều kiện để nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Related Posts